TRANH GỐM BÁT TRÀNG

By | 09:31 Leave a Comment

Đôi nét về tranh gốm :

Tranh gốm  kích thước lớn hơn 40x40 cm sẽ được ghép bằng các mảnh lại với nhau còn sứ thì không như vậy, thường thì sẽ là nguyên khổ có khi lên tới 110x150 cm mà không phải ghép mảnh. 
Tranh gốm được làm hoàn toàn bằng tay nên cảm giác thô, dày và thường được đắp nổi lên trên mặt tranh còn tranh sứ thường được vẽ trơn tru trên nền trắng của sứ.

Nằm ở bờ Bắc sông Hồng, làng Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội nổi tiếng với nghề làm gốm sứ đã hơn 500 năm nay. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng không chỉ phong phú về chủng loại mà còn đa dạng về mẫu mã, trong đó có cả mặt hàng tranh gốm sứ rất thu hút khách tham quan.




làng Bát Tràng, mỗi xóm gần như chuyên sản xuất một loại sản phẩm. Nếu như xóm 2 chuyên về các lọ gốm thì xóm 5 lại chuyên về sản xuất tranh. Những tranh gốm sứ sản xuất ra đã mang tính cá biệt về phong cách của mỗi nghệ nhân và nét đặc trưng văn hóa của làng nghề. Sản phẩm của nghề gốm truyền thống được tạo ra bởi các bí quyết sản xuất và đòi hỏi kỹ năng, kỹ thuật cao, được truyền từ đời này qua đời khác.

TRANH GỐM BÁT TRÀNG
Tranh gốm bát tràng


Tranh Bát Tràng có nhiều loại nhưng phổ biến nhất là tranh gốm hoa văn đắp nổi và tranh sứ hoa văn vẽ trơn. Không ít người đã nhầm lẫn giữa hai dòng tranh này. Tranh sứ nền trắng còn tranh gốm nền đất đỏ. Tranh gốm kích thước lớn hơn 40x40 cm sẽ được ghép bằng các mảnh lại với nhau còn tranh sứ thì nguyên khổ. Cảnh vật trang trí trên tranh gốm đều được đắp nổi bằng tay còn tranh sứ được vẽ trơn tru trên nền trắng của sứ tạo sự sắc nét, tinh xảo. Do đó các bức tranh gốm sứ thủ công vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị thẩm mỹ cao.


TRANH GỐM BÁT TRÀNG
Tranh gốm Bát Tràng cỡ nhỏ


Đa số các hộ gia đình ở Bát Tràng đều vừa là cơ sở sản xuất vừa kinh doanh. Nghệ nhân làm tranh – người thợ cả vừa đóng vai trò là người quản lý, chỉ đạo sản xuất, vừa là người trực tiếp làm ra sản phẩm. Mỗi nghệ nhân có những nét độc đáo riêng cho dù cùng chế tác một loại sản phẩm. Nét đặc sắc của bức tranh tùy theo trình độ sáng tạo và kinh nghiệm của từng nghệ nhân.

TRANH GỐM BÁT TRÀNG
Tranh gốm cỡ lớn ghép mảnh


Chủ xưởng tranh gốm Luận Hương, anh Phạm Văn Luận – người đã có gần hai mươi năm kinh nghiệm trong nghề này cho biết, tranh sứ đã có từ lâu nhưng trong vòng 20 năm trở lại đây tranh gốm mới xuất hiện. Hai mặt hàng này phát triển ổn định do phù hợp với thị hiếu khách hàng cũng như nhờ vào những đặc trưng riêng chỉ tranh gốm sứ ở làng Bát Tràng mới có. Đó là nguồn đất nhập từ mỏ cao lanh được pha thành hồ loãng nhờ sút (một loại chất pha), tạo dáng cho bức tranh là làm thủ công bằng tay, cùng với dòng men riêng từ loại men xanh rêu cùng với nâu và trắng cho đến men rạn với cốt gốm xốp có màu xám nâu. Do đó, tranh gốm Bát Tràng cốt dày, chắc và khá nặng, lớp men trắng thường ngả màu ngà, hơi đục. Còn tranh sứ thì lớp men trắng đều, mọng và bóng, không bị co men hay bị xuất hiện các nốt đen.

TRANH GỐM BÁT TRÀNG
Thợ làm tranh gốm

Ở Nhật có hai loại gốm của Việt Nam được nhập nhiều nhất là gốm Bát Tràng và gốm Đồng Nai. Gốm sành xốp Đồng Nai nung ở nhiệt độ thấp. Anh Phạm Văn Luận cho biết: “Gốm Bát Tràng từ xưa là loại gốm sành trắng, hiện nay có những loại gốm Bát Tràng mới đang rất được khách Nhật quan tâm”.

Chị Trần Bích Ngọc, chủ cơ sở gốm sứ chuyên tranh Tiệp Ngọc cho biết: “Mẫu có sẵn rất nhiều nhưng chúng tôi là nhà sản xuất thì chiều lòng khách hàng. Đa số khách  hàng Việt đều thích cảnh thôn quê, làng xóm vì họ cho rằng nét quê đang mất dần và họ muốn giữ lại những kỷ niệm quê hương và tranh thôn dã là yên bình hơn cả!”.  Các hình ảnh trang trí trên tranh được ưa chuộng nhất là những hình ảnh thôn quê, gắn liền với truyền thống văn hóa làng xóm của người Việt như: nhà tranh, cây đa, bến nước, mái đình, dòng sông, lũy tre hay những con vật thân quen như con trâu, con cá. v.v.

Tranh gốm sứ được khách hàng chọn vì trên chất liệu gốm sứ, mọi màu sắc và nét vẽ trên tranh có thể lưu lại được rất lâu, không phụ thuộc vào môi trường bên ngoài. Tiện lợi nhất là vừa có thể gắn vào khung và treo trang trí nội thất hoặc có thể dùng tranh gốm ghép trực tiếp lên tường thành một bức lớn trang trí ngoại thất.


Theo những người làm gốm sứ ở làng thì Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Châu Âu là thị trường nhập khẩu chủ yếu của tranh gốm sứ Bát Tràng. Khách nước ngoài đến chơi Bát Tràng có thể mua những tranh có chủ đề dân gian Việt Nam, thôn dã làm quà kỉ niệm. Song đặt hàng để bán, thì họ thường thiên về những dòng tranh trừu tượng.


Ngoài sản phẩm tranh gốm bát tràng còn được biết đến với các sản phẩm khác như: ấm chén bát tràng, bộ bát đĩa , bình gốm sứ ...

Nguồn: VOV5

Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ

0 nhận xét: